Giỏ hàng

PHỤ NỮ TIỀN MÃN KINH ĐỔ MỒ HÔI, PHẢI LÀM SAO?

Phụ nữ ai cũng sẽ phải trải qua thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh nhưng có đến 20% phụ nữ không thể chịu được các triệu chứng nặng và phải điều trị bằng thuốc. Một trong những triệu chứng của thời kỳ này là việc đổ mồ hôi quá nhiều. Vậy thì, làm thế nào để giảm thiểu được tình trạng này? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

Tiền mãn kinh là gì?

Thời kỳ mãn kinh thường rơi vào độ tuổi 45 – 55, đánh dấu sự kết thúc quá trình sinh sản ở người phụ nữ. Nói cách khác, khi nào bạn ngừng có kinh nguyệt, đó là lúc bạn chính thức mãn kinh. 

Tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh. Người ta còn gọi đây là giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh. Tùy theo cơ địa mỗi người, thời kỳ này có thể diễn ra vào các lứa tuổi khác nhau. Đồng thời, mỗi người cũng sẽ có những triệu chứng không giống nhau.

Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh trước khi mãn kinh từ 8 – 10 năm, tức là ở độ tuổi 37 – 45. Đây là giai đoạn hoạt động của hệ trục vàng Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng suy giảm, không sản xuất đủ bộ ba nội tiết tố nữ là: estrogen, progesterone, testosterone để đáp ứng mọi hoạt động của cơ thể. Vì thế, người phụ nữ phải đối mặt với những xáo trộn về tâm sinh lý, sức khỏe và cả sắc đẹp: nguy cơ loãng xương, rối loạn tim mạch, giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo, dễ bị kích thích tâm lý nên hay nóng giận, chán nản, thiếu tập trung trong công việc, nóng bừng mặt, đổ mồ hôi nhất là vào ban đêm, mất ngủ, chóng mặt, nhức đầu, hồi hộp, lo âu…

Trong giai đoạn cuối của thời kỳ tiền mãn kinh, cơ thể người phụ nữ sẽ sản xuất ngày càng ít estrogen hơn. Giai đoạn này kéo dài ít nhất là vài tháng và lâu nhất là 4 năm.

Thời kỳ mãn kinh chính thức bắt đầu khi buồng trứng sản xuất quá ít estrogen, đến mức trứng không được phóng thích nữa. Khi đó, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ngừng lại.

Tiền mãn kinh là gì?

Dấu hiệu và triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng cơ bản nhất của thời kỳ mãn kinh là đổ mồ hôi quá nhiều và nóng bừng. Cơn nóng bừng thường diễn ra ở phần trên đầu và ngực làm da nóng lên, sau đó lan dần ra cổ và mặt, khiến cho mặt bị ửng đỏ kèm theo tình trạng đổ mồ hôi. Đổ mồ hôi có thể kéo dài từ một vài giây cho đến vài giờ. Đổ mồ hôi trong bao lâu và tần suất đổ mồ hôi ở từng phụ nữ là khác nhau. Một số trường hợp đổ mồ hôi quá nhiều đến mức phải thay quần áo thường xuyên. Ra mồ hôi do mãn kinh gây ra nhiều phiền toái cho đời sống của chị em phụ nữ. Theo thống kê có khoảng 70% phụ nữ bị đổ mồ hôi trong thời kỳ mãn kinh.

Làm thế nào để giảm đổ mồ hôi ở phụ nữ tiền mãn kinh?

Tiền mãn kinh là giai đoạn tất yếu trong cuộc đời người phụ nữ, bạn không thể ngăn cản nó xảy ra. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị hiện tại sẽ giúp giảm triệu chứng bốc hỏa, khắc phục chứng đổ mồ hôi liên quan đến tiền mãn kinh.

Thay đổi lối sống

Nguyên tắc đầu tiên trong điều trị triệu chứng vận mạch là tránh các yếu tố có thể gây bốc hỏa, bao gồm nhiệt độ, độ ẩm không khí, đồ uống nóng và thức ăn cay. Bạn nên mặc nhiều lớp quần áo mỏng (thay vì một lớp dày) để có thể cởi bỏ khi cần thiết. Ngoài ra, hít thật sâu và thở ra chậm cũng giúp làm dịu cơn nóng bừng.

Thay đổi lối sống

Bổ sung estrogen

Điều trị hiệu quả nhất cho tình trạng bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm ở phụ nữ tiền mãn kinh là liệu pháp estrogen. Trừ khi bạn đã cắt bỏ tử cung, bạn sẽ phải sử dụng progesterone để giảm nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung. Estrogen liều thấp hiện nay được bào chế dưới dạng miếng dán, gel, kem bôi có ít rủi ro khi sử dụng lâu dài.

Sử dụng thuốc tránh thai liều thấp

Nếu bạn có nhu cầu tránh thai và không hút thuốc lá, bạn có thể uống thuốc tránh thai liều thấp cho đến khi mãn kinh để giảm triệu chứng bốc hỏa. Một tác dụng khác của thuốc tránh thai là điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và ngăn chặn sự tăng/giảm bất thường của estrogen liên quan đến thời kỳ mãn kinh.

Sử dụng thuốc tránh thai liều thấp

Sử dụng thuốc

Trong trường hợp các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh của bạn trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, bác sĩ sẽ dùng đến một số loại hormon thay thế (bổ sung Estrogen và Progesterone); điều trị nội tiết (bao gồm điều trị estrogen toàn thân hoặc khu trú, liệu pháp nội tiết estrogen và progesterone kết hợp, điều trị estrogen có kèm hay không kèm với progesterone…). Tuy nhiên, việc uống loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu, điều trị trong thời gian bao lâu… cần được bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tránh những rủi ro xảy đến cho sức khỏe. Do đó, chị em không nên tự ý uống thuốc mà cần đến cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa phụ sản để được kiểm tra sức khỏe và được bác sĩ chỉ định dùng thuốc đúng cách.

Đây là một giai đoạn tất nhiên sẽ xảy ra trong cuộc đời của một người phụ nữ, bạn không thể tránh được vậy nên hãy đối mặt với những triệu chứng của chúng một cách tự tin nhất. Hãy áp dụng một số cách mà chúng tôi đã đề cập bên trên để giảm thiểu tình trạng đổ mồ hôi nhiều trong thời kỳ tiền mãn kinh nhé!

 

Bác sĩ CKII - Trần Thị Thanh Nho
Bác sĩ CKII Trần Thị Thanh Nho là một sinh viên ưu tú tốt nghiệp trường Đại Học Y Hà Nội. Bác sĩ hiện chuyên khám, tư vấn và điều trị các bệnh về da; các bệnh dị ứng biểu hiện ngoài da,... Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, hiện nay Bác sĩ Nho đang là bác sĩ chuyên khoa da liễu Bệnh Viện Đa khoa Phương Đông.