Giỏ hàng

CÁCH TRỊ ĐỔ MỒ HÔI MẶT

Khuôn mặt là hình ảnh đầu tiên giúp bạn tạo ấn tượng tốt đẹp với người đối diện, thế nhưng sẽ thật khó xử khi nó luôn ướt đẫm, nhễ nhại mồ hôi. Ở bài viết lần trước chúng tôi đã lý giải giúp bạn bệnh đổ mồ hôi nhiều ở mặt có nguy hiểm không cũng như những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Vậy có cách giảm mồ hôi mặt hiệu quả hay không? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Vì sao đổ mồ hôi mặt sẽ tồi tệ và khó chữa trị?

Đổ mồ hôi nhiều dù xuất hiện ở vị trí nào trên cơ thể cũng gây đủ điều phiền toái, từ sinh hoạt, công việc đến giao tiếp thường ngày đều không thể thoái mái, tự tin được. Chẳng những thế, việc chữa trị cũng khá khó khăn vì bệnh bắt nguồn từ sự rối loạn hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít người phải chịu cảnh sống chung với mồ hôi trong suốt nhiều năm do không tìm được giải pháp hiệu quả.

Không ít người phải chịu cảnh sống chung với mồ hôi trong suốt nhiều năm do không tìm được giải pháp hiệu quả

Đặc biệt là đổ mồ hôi mặt sẽ tồi tệ nhất vì bạn không thể nào che dấu đi khuôn mặt ướt đẫm, nhễ nhại mồ hôi của mình với người đối diện. Hơn nữa, da mặt là vùng nhạy cảm nhất trên cơ thể, khi sử dụng thuốc bôi xoa hay các liệu pháp chữa trị trực tiếp khác, nếu không cẩn thận chẳng những không giảm được mồ hôi mà còn có thể làm tổn thương da, gây mất thẩm mĩ.

Một số cách trị bệnh đổ mồ hôi mặt phổ biến nhất hiện nay

Thuốc bôi ngoài da dùng trong điều trị đổ mồ hôi mặt

Chất chống mồ hôi dùng ngoài da chứa thành phần chính là muối nhôm, như nhôm clorua, nhôm zirconium, nhôm clorua hexahydrate… có tác dụng bịt kín lỗ chân lông, ngăn mồ hôi thoát ra khỏi cơ thể để làm giảm mồ hôi mặt tại chỗ. Hiệu quả kéo dài không quá 24h nên bạn phải dùng thường xuyên trong ngày.  

Thuốc có thể gây tác dụng ngoài ý muốn như mẩn ngứa, nổi mụn, dị ứng, dày sẩn da…. Do vậy, hãy bôi thuốc lên một vùng da nhỏ để thử phản ứng trước khi dùng cho toàn bộ khuôn mặt. Và chỉ nên bôi một lớp mỏng, tốt nhất là vào buổi tối sau khi rửa mặt. 

Cách trị đổ mồ hôi mặt bằng tiêm botox

Nếu chất chống mồ hôi ngoài da không hiệu quả, tiêm botox (botulinum) có thể là một gợi ý cho bạn. Phương pháp này vốn được áp dụng trong thẩm mỹ để làm mờ nếp nhăn và ngày nay người ta còn phát hiện thấy tác dụng ngăn tiết mồ hôi tại chỗ thông qua ức chế tín hiệu thần kinh của độc tố botox.

Trị đổ mồ hôi mặt bằng tiêm botox

Sau khi đánh dấu vị trí, bác sĩ sẽ lần lượt tiêm hàng chục mũi botox dưới da mặt. Bạn có thể cảm thấy yếu cơ mặt, sụp mí mắt, đau, sưng tấy tại nơi tiêm. Hiệu quả giảm mồ hôi chỉ kéo dài trong 6 tháng nên phải tiêm lại nhiều lần, nếu lạm dụng thường xuyên có thể khiến khuôn mặt trở nên biến dạng, đơ cứng, mất cảm xúc.

Thuốc uống dùng trong điều trị đổ mồ hôi mặt

Một số thuốc trị mồ hôi dạng uống như thuốc kháng cholinergic (Glycopyrrolate, Robinal), thuốc chẹn beta, thuốc chống trầm cảm… có tác dụng ức chế hệ thần kinh giao cảm (sự hưng phấn quá mức của hệ giao cảm chính là nguyên nhân kích thích tuyến mồ hôi tăng bài tiết) nên có thể được chỉ định để hạn chế ra mồ hôi nhiều ở mặt.

Tuy nhiên, thuốc lại làm giảm mồ hôi toàn thân và gây ra nhiều tác dụng phụ như khô miệng, táo bón, bí tiểu, nhìn mờ, nhịp tim chậm… nên hiện nay rất hiếm sử dụng.

Cách trị đổ mồ hôi mặt bằng điện di ion

Điện di ion chủ yếu dùng để điều trị mồ hôi tay chân, nhưng hiện nay đã được cải tiến cho cả đổ mồ hôi ở mặt. Thông qua sự tiếp xúc giữa bề mặt da với miếng dán đặc biệt có dòng điện cường độ thấp cỡ 10mA chạy qua, các tuyến mồ hôi mặt sẽ bị ức chế hoạt động tạm thời. Để duy trì tác dụng, bạn cần thực hiện 2 - 3 lần/tuần trong thời gian đầu sau đó giảm xuống 1 lần/tuần, mỗi lần kéo dài 20 - 30 phút.

Phương pháp này không chỉ có tác dụng rất tốt trong việc trị mồ hôi mặt mà còn có khả năng chữa đổ mồ hôi toàn thân, bao gồm các bộ phận khác của cơ thể như tay, chân, nách, lưng,...

Trị đổ mồ hôi mặt bằng điện di ion

Bạn có thể thấy ngứa ran, rát da trong quá trình điện di. Phương pháp này không phù hợp cho phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tim, bệnh động kinh hoặc đang cấy kim loại trong cơ thể.

Một số lời khuyên cho bạn để trị mồ hôi mặt hiệu quả

Thực hiện theo những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn giảm bớt khó chịu do mồ hôi mặt gây ra:

– Luôn mang theo khăn lạnh bên mình để lau mồ hôi trên mặt và làm giảm nhiệt độ cơ thể.

– Hạn chế thực phẩm gây tăng tiết mồ hôi như cà phê, rượu bia, đồ ăn chứa gia vị cay nóng, đồ ăn nhiều chất béo…

– Bổ sung thêm vitamin B từ các loại thực phẩm như hạt điều, óc chó, chuối, hạnh nhân, cà chua, yến mạch, khoai lang…

– Giảm stress và lo lắng: Yếu tố cảm xúc có thể kích thích mồ hôi tăng tiết ngay lập tức. Do đó bạn cần hạn chế những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, suy nghĩ nhiều; chú ý ngủ đủ giấc và luyện tập thiền, hít thở sâu để điều hòa cảm xúc.

Như chúng tôi đã chia sẻ, có rất nhiều cách trị đổ mồ hôi mặt cho bạn, nhưng tùy cơ địa mỗi người là khác nhau, nên bạn vẫn cần cân nhắc trước khi đưa ra lựa chọn cho bản thân mình. Liplop húc các bạn thành công trên con đường chữa trị mồ hôi mặt!

 

 

Bác sĩ CKII - Trần Thị Thanh Nho
Bác sĩ CKII Trần Thị Thanh Nho là một sinh viên ưu tú tốt nghiệp trường Đại Học Y Hà Nội. Bác sĩ hiện chuyên khám, tư vấn và điều trị các bệnh về da; các bệnh dị ứng biểu hiện ngoài da,... Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, hiện nay Bác sĩ Nho đang là bác sĩ chuyên khoa da liễu Bệnh Viện Đa khoa Phương Đông.